7 ký hiệu loại nhựa thông dụng trên thị trường

Các loại chai nhựa, hộp thực phẩm bằng nhựa sẽ có các ký hiệu dưới đáy để xác định chính xác đó là loại nhựa gì, có đảm bảo an toàn cho sức khỏe không.

Dưới đáy của các hộp, chai nhựa có các con số từ 1 đến 7 nằm gọn trong dấu hiệu “recycle” (tái chế), đó chính là số hiệu phân loại nhựa. Các ký hiệu này phản ánh 7 loại khác nhau của đồ nhựa được phép lưu hành trên thị trường. Một số loại nhựa thì ít độc hại cho sức khỏe, dễ dàng tái chế và thân thiện với môi trường, còn một số khác thì không. Những con số này giúp ta có thể biết được loại đồ nhựa nào có thể sử dụng để đựng thức ăn an toàn, hợp vệ sinh và loại đồ nhựa nào có thể tái chế được, loại nào không.

7 loại nhựa thông dụng trong đời sống

  1. PET (Polyethylene Terephtalate)

PET là loại nhựa nổi tiếng và quen thuộc nhất trong họ nhựa polyme. Chúng thường được dùng để sản xuất loại vải không nhăn polyester, thảm hay vải bạt. Ngoài ra, PET còn được chế tạo thành bao bì đóng gói thực phẩm và đồ uống.

Loại vật liệu này có khả năng tạo rào cản ngăn giữa chất lỏng và khí, nhờ đó ngăn O2 và CO2 xâm nhập vào thức ăn và đồ uống.

Nhựa PET rất khó để làm sạch, khả năng tái chế cũng khá thấp (chỉ khoảng 20%).

Nhựa PET sử dụng rộng rãi nhưng chỉ nên dùng một lần. Tuyệt đối không dùng thực các thực phẩm nóng hoặc môi trường có nhiệt độ cao.

  1. Nhựa HDP hay HDPE

HDPE được coi là loại nhựa ít nguy hiểm. Chúng hay được sử dụng để chế tạo các loại chai nhựa đựng sữa, nước suối, nước trái cây, thuốc tẩy hay dầu gội đầu.

Ngoài ra, HDPE còn sử dụng để chế tạo túi nhựa, vật liệu cách nhiệt hay ống nhựa. Polyethylene là họ nhựa phổ biến nhất trên thế giới với độ dẻo, bền chắc, khả năng chống ẩm rất tốt.

Nhựa HDPE được xem là loại nhựa tốt nhất, an toàn nhất vì chịu được nhiệt độ 110 độ C, có thể cho vào lò vi sóng ở công suất thấp. Khi tái sử dụng cần hết sức lưu ý, vì loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.

  1. PVC (nhựa polyvinyl chloride)

PVC được coi là loại nhựa độc hại nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi nhất trong các sản phẩm tiêu dùng trên thế giới, chỉ sau polyethylene do có chi phí rẻ, tính chất dẻo dai, bền và trong suốt.

Loại nhựa này có thể chứa hoặc ứ đọng các chất độc hại như BPA, phthalates, chì, dioxins, thuỷ ngân và cadmium. Đây đều là những chất độc có thể gây ra ung thư hoặc thay đổi hoc-moon giới tính ở người, đặc biệt khi đốt cháy.

PVC được ứng dụng để sản xuất:
· Các loại màng bọc bao bì, màng bọc thực phẩm, màng nhựa kiếng trong suốt
· Các loại chai như chai đựng dầu ăn, đựng nước, các dung dịch thực phẩm dạng lỏng
· Các loại đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác

  1. LDPE (nhựa low-density polyethylene)

LDPE thuộc họ nhựa Polyethylenes nhưng với mật độ thấp hơn so với HDPE. Tuy nhiên nó vẫn giữ được các đặc tính cơ bản như dẻo, dai, chống ẩm tốt.

Do tính trơ hóa học, nhựa LDPE thường được ứng dụng chế tạo các chai lọ đựng hóa chất, găng tay nylon, túi nylon, túi đựng hàng và vỏ bánh. Ngoài ra nhựa LDPE dễ gãy, vỡ, trầy xước, khả năng chịu va đập vật lý kém hơn nhựa số 2.

Lưu ý: Nhựa LDPE không được dùng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao gây hại cho sức khỏe.

  1. PP (nhựa polypropylene)

Nhựa PP (polypropylene) là loại nhựa có tính bền nhiệt cao nhất, chịu được từ 130 độ C – 170 độ C nên được ứng dụng rộng rãi trong chế tạo các hộp đựng thực phẩm, đặc biệt các loại hộp thực phẩm có thể dùng trong lò vi sóng. Nhựa PP thường hơi trong suốt

Tuy nhiên theo khuyến cáo, các bạn cũng chỉ nên sử dụng trong lò vi sóng từ 2-3 phút, không nên dùng quá lâu.

PP là loại nhựa được các chuyên gia khuyên sử dụng, vì đặc điểm trơ hóa học, độ bền cơ học và độ bền nhiệt cao và rất an toàn sức khỏe.

6 . PS/PS-E (nhựa polystyrene/expanded polystyrene)

Chúng ta thường thấy loại nhựa này xuất hiện trên các hộp đựng, ví dụ như khay đựng trứng, đĩa nhựa, hộp đựng thức ăn dùng một lần. Ngoài ra, PS/PS-E cũng hay xuất hiện trên bao bì đựng thực phẩm, mũ bảo hiểm.

Đây không phải là loại nhựa an toàn để tái sử dụng, thậm chí chúng có thể thôi ra chất độc hại khi gặp nhiệt độ cao. Những nguy hiểm nếu bạn sử dụng loại nhựa này thường xuyên như ung thư, bệnh liên quan đến hệ thần kinh.

7 – Nhựa PC, Tritan và các loại khác không ký hiệu

Đây là loại nhựa hoặc hỗn hợp nhựa không thuộc các dạng trên. Nhưng loại nhựa xếp vào số 7 này không nên sử dụng dưới dạng tái chế. Chúng chứa BPA, một hợp chất hóa học có thể gây vô sinh, tiểu đường và ung thư.

Cách phân biệt nhựa Tritan và PC:
Nhựa PC: trong suốt, cứng (do chứa BPA làm cứng). Nhựa PC không an toàn sức khỏe, độc hại.
Nhựa Tritan: độ trong suốt như thủy tinh, khá cứng, BPA free (không chứa BPA). Hoàn toàn an toàn cho người sử dụng.